Quy trình thực hiện Mắm tép

Mắm tép trước kia thường sử dụng nguyên liệu rất đơn giản, các cỡ tép to, tép nhỏ đều có thể làm mắm, thậm chí cả các loại tép co, tép mòng. Tép sau khi bắt về (thường bắt bằng riu hoặc te, một dụng cụ đan bằng tre, nứa hình con tôm cong ngược, đẩy trong nước để hớt tép), nhặt bỏ rác, rửa rất sạch. Nếu không rửa sạch mắm sẽ mất màu đỏ thơm và ngả sang nâu, thậm chí bị hỏng[1]. Tép được trộn với muối và bột gạo rang nghiền thành thính gạo theo tỷ lệ khoảng cứ mười bát tép là bốn bát muối, hai bát gạo rang giã nhỏ[2]. Trộn đều nguyên liệu sau đó cho vào hũ hoặc vò rồi bịt kín bằng bát ăn cơm ngoài cùng chít đất, ủ khoảng 1 tháng thì ăn được.

Một số địa phương sử dụng cả đường, bột ngọt, gừng, riềng, tỏi, ớt băm, rượu trắng để trộn vào tép làm mắm[3]. Sau khi thành phẩm hoàn tất mắm lại được trộn với đu đủ mỏ vịt (tức loại đu đủ ương, ửng đỏ nhưng chưa chín mềm) xắt nhỏ.

Mắm tép màu đỏ hồng tươi, vị ngọt đậm và không nặng mùi như mắm tôm hoặc mắm cá, sánh đặc, để càng lâu càng ngon. Nếu muốn nấu nước mắm với nguyên liệu là mắm tép, người ta cho mắm tép vào một túi vải, rồi vắt kiệt lấy nước cốt cho vào nồi nấu lên, khi đun vừa lửa, nếu muốn mắm đặc thì đun lâu hơn[2].